-
-
-
Tổng cộng:
-
Nội dung trong bài viết được trích từ nguồn sách "Dược điển Việt Nam - Nhà xuất bản Y học Hà Nội, 2017" với mục tiêu giúp bạn đọc dễ tìm kiếm nội dung để tham khảo nhanh.
Bạn đọc có thể tìm mua sách có bản quyền để tham khảo thêm những nội dung cần thiết.
MỤC LỤC BÀI VIẾT 1. Rau má Herba Centellae asiaticae Tinh tuyết thảo 2. Mô tả 3. Vi phẫu 4. Định tính 5. Độ ẩm 6. Tạp chất 7. Tro toàn phần 8. Chất chiết được trong dược liệu 9. Chế biến 10. Bảo quản 11. Tính vị, quy kinh 12. Công năng, chủ trị 13. Cách dùng, liều lượng |
1. RAU MÁ
Herba Centellae asiaticae
Tinh tuyết thảo
Nguồn hình ảnh: internet
Toàn cây tươi hoặc phơi khô của cây Rau má (Centella asiatica Urb.), họ Hoa tán (Apiaceae).
2. MÔ TẢ
Nguồn hình ảnh: internet
Rau má là loại cỏ mọc bò, có rễ ờ các mấu. Lá hình mắt chim, rộng 2 cm đến 4 cm, khía tai bèo, cuống lá dài 2 cm đến 4 cm ở những nhánh mang hoa và 8 cm đến 12 cm ở những nhánh thường.
Cụm hoa là một tán đơn ngắn, hình tán đơn, mọc ở nách lá. Quả rủ mọc đôi, dẹt, tròn, rộng 3 mm đến 5 mm, có cạnh dọc nhô lên và vân lưới nhỏ rõ rệt, cuống quả rất ngắn.
Dược liệu khô thường cuộn lại thành khối. Rễ dài 2 cm đến 4 cm, đường kính 1 mm đến 1,5 mm; mặt ngoài màu nâu vàng nhạt hoặc màu vàng xám.
Thân dài nhỏ, cong queo, màu vàng nâu, có vân nhăn dọc, trên mấu thường thấy rễ. Phiến lá có nhiều vết nhăn rách, đường kính 1 cm đến 4 cm, màu lục xám, mép có răng thô. Cuống lá dài 3 cm đến 6 cm, cong queo. Mùi nhẹ, vị nhạt.
3. VI PHẪU
Thân: Biểu bì gồm 2 đến 3 hàng tế bào hình chữ nhật. Mô dày ở những chỗ lồi của thân. Ống tiết ở sát biểu bì, đường kính 23 μm đến 24 μm gồm có 5 đến 7 tế bào tiết. Mô mềm một. Các bó libe-gỗ chồng kép, xếp theo vòng tròn liên tục, mỗi bó gồm: một đám mô cứng, libe và gỗ. Tầng sinh libe-gỗ gồm một lớp tế bào xếp đều đặn giữa libe và gỗ. Mô mềm ruột.
4. ĐỊNH TÍNH
A. Lấy 5 g bột dược liệu, thêm 50 ml ethanol 20 %, để qua đêm. Lọc, thêm dung dịch chì acetat 10% vào dịch lọc đến khi tủa hết. Lọc lấy dung dịch, sau đó loại chì thừa bằng 5 ml dung dịch natri sulfat bão hòa.
Lọc, lấy dịch lọc cho vào bình gạn, thêm cùng một thể tích hỗn hợp ethanol – clorofom (1 : 3). Lắc, để lắng, gạn lấy phần ethanol – cloroform. Làm khan nước trong 12h với natri sulfat khan, bốc hơi dung môi trên cách thủy cho đến khô. Hòa căn trong 2 ml ethanol được dung dịch A dùng làm các phản ứng sau:
Lấy 0,5 ml dung dịch A cho vào ống nghiệm, cho một vài tinh thể a-naphtol rồi thêm 1 ml acid sulfuric, xuất hiện màu đỏ carmin
Lấy 0,5 ml dung dịch A, thêm 0,5 ml thuốc thử mới pha, hỗn hợp gồm 0,5 ml dung dịch natri hydroxide 10 % và 9,5 ml dung dịch acid picric bão hòa (TT), xuất hiện màu đỏ da cam.
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
-
Bản mỏng: Silica gel G.
-
Dung môi khai triển: Chloroform – methanol – nước (7:3:05).
-
Dung dịch thử: Lấy 1,0 g bột dược liệu (qua cỡ rây số 250) thêm 25 ml ethanol 96 %, đun hồi lưu 30 min, lọc bốc hơi dịch lọc đến khô. Hòa tan cặn trong 20 ml nước chiết hai lần với n-butanol bão hòa nước, mỗi lần 15 ml. Gộp các dịch chiết n-butanol, rửa bằng 15 ml nước bão hòa n-butanol, bỏ lớp nước, lấy lớp n-butanol bốc hơi đến khô. Hòa tan cặn trong 1 ml methanol dùng làm dung dịch thử.
-
Dung dịch chất đối chiếu: Hòa tan asiaticosid chuẩn trong methanol để được dung dịch có nồng độ 1 mg/ml.
-
Dung dịch dược liệu đối chiếu: Nên không có asiaticosid thì dùng 1g Rau má (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
-
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng khoảng 5 μl đến 10 μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun lên bản mỏng dung dịch acid sulfuric 10 % trong ethanol. Sấy bản mỏng ở 105 °C đến khi hiện rõ vết. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết có cùng màu và giá trị Rf với vết asiaticosid trên sắc ký đồ của dung dịch chất đối chiếu hoặc trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch dược liệu đối chiếu.
5. ĐỘ ẨM
Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 85 °c, 4 h).
6. TẠP CHẤT
Tạp chất Không quá 1,0 % (Phụ lục 12.11).
7. TRO TOÀN PHẦN
Tro toàn phần Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.8).
Tro không tan trong acid Không quá 3,5 % (Phụ lục 9.7).
8. CHẤT CHIẾT ĐƯỢC TRONG DƯỢC LIỆU
Không ít hơn 25,0 % tính theo dược liệu khô kiệt. Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng ethanol 50 % làm dung môi.
9. CHẾ BIẾN
Nguồn hình ảnh: internet
Hái toàn cây, rửa sạch, loại bỏ tạp chất, dùng dược liệu tươi hoặc phơi khô, khi dùng cắt đoạn. Bảo quản Để nơi khô.
10. TÍNH VỊ, QUY KINH
Khổ, tân, hàn. Vào các kinh can, tỳ. thận.
11. CÔNG NĂNG, CHỦ TRỊ
Thanh nhiệt trừ thấp, giải độc, tiêu sưng.
Chủ trị: Hoàng đản thấp nhiệt, tiêu chảy, thổ huyết, chảy máu cam. nhọt độc sưng. Tiểu tiện rắt buốt.
12. CÁCH DÙNG, LIỀU LƯỢNG
Ngày dùng từ 30g đến 40g Rau má tươi, vò nát, lấy nước hoặc sắc uống. Dùng dược liệu khô, ngày dùng từ 15g đến 30g. Dạng thuốc sắc. Dùng ngoài: Dùng dược liệu tươi, giã nát, đắp chữa vết thương do ngã, gãy xương, bong gân và làm tan ung nhọt, lượng thích hợp.
NGUỒN TÀI LIỆU:
1. Sách "Dược điển Việt Nam", Nhà xuất bản Y học Hà Nội, 2017